Từ ngày 01/8/2015, hàng loạt chính sách mới liên quan đến lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp, tài chính nhà nước, dịch vụ pháp lý… bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, nổi bật là:
1. Sửa đổi quy định xử phạt khi sử dụng lãng phí tài sản công
Theo đó, khi sử dụng lãng phí phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách vượt tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với tổ chức có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp không đúng danh mục được phê duyệt thì mức phạt từ 1 – 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Nội dung này được quy định tại Nghị định 58/2015/NĐ-CP .
2. Người nước ngoài được phép mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch
Bên cạnh việc cho phép người nước ngoài mang xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô vào Việt Nam du lịch như hiện nay theo Nghị định152/2013/NĐ-CP .
Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP , theo đó, bổ sung loại xe người nước ngoài được phép mang vào Việt Nam du lịch là xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái.
3. Hướng dẫn áp dụng thuế, phí trong mời thầu mua sắm hàng hóa
Theo Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa thì giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có).
Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.
- Đối với đấu thầu trong nước, khi đánh giá về giá phải xem xét cả chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).
- Đối với đấu thầu quốc tế, khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).
Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng. Giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có).
4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
Để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật công nghệ cao 2008.
- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.
- Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%; đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.
- Số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%.
Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.
Đó là nội dung được quy định tại Quyết định 19/2015/QĐ-TTg .
5. Sửa đổi quy định bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho công chứng viên
Theo Thông tư 06/2015/TT-BTP thay thế Thông tư 11/2011/TT-BTP và Quyết định01/2008/TT-BTP , công chứng viên đang hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tối thiểu 3 ngày làm việc/năm (tương đương 24 giờ/năm).
Sẽ miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm trong trường hợp đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm hoặc tham gia một khóa bồi dưỡng nghề công chứng ở nước ngoài trong năm đó.
Đồng thời, Thông tư 06/2015/TT-BTP còn quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên hàng năm bao gồm:
- Hội công chứng viên; trường hợp địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên thì Sở Tư pháp thực hiện bồi dưỡng.
- Học viện Tư pháp.
6. Hướng dẫn đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Cụ thể, khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cần phải căn cứ vào các nội dung sau:
- Đối với cán bộ, công chức:
+ Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
+ Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo quản lý.
+ Chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được giao, phê duyệt hoặc phân công.
- Đối với viên chức: theo quy định tại Điều 40 Luật Viên chức.
Từ các căn cứ đánh giá trên, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Xem chi tiết hướng dẫn đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP .
7. Quy định mới về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi
Ngày 05/6/2015, Bộ Giao thông và Vận tải ban hành Thông tư 21/2015/TT-BGTVT về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.
Theo đó, quy định rõ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của:
- Nhân viên đường sắt làm việc theo ban;
- Nhân viên đường sắt làm việc trên đoàn tàu.
Đồng thời, Thông tư còn đề cập đến nghỉ hàng tuần, hàng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ khác và các quy định khác.
Thông tư này thay thế cho Thông tư 23/1998/TT-BGTVT .
Nguồn: Thư viện pháp luật
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780