Bộ luật Lao động (năm 1994)đã xây dựng một chương riêng về thoả ước lao động tập thể, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 196/CP em ngày 31/12/1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về thoả ước lao động tập thể và Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 196/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ.
Do tính năng động và đa dạng của các quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường nên một số quy định của pháp luật - qua thực tiễn áp dụng - đã dần bộc lộ một số hạn chế: hoặc là chưa sát với thực tế, hoặc là chưa được giải thích, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là quy định và hướng dẫn thực hiện việc ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành. Điều này gây ra những khó khăn cho các bên chủ thể của quan hệ lao động trong quá trình áp dụng pháp luật về thương lượng, ký kết thoả ước.
Quốc hội khoá X tại kỳ họp thứ 11 (năm 2006) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 1994, trong đó có những sửa đổi, bổ sung các quy định về thoả ước lao động tập thể cho phù hợp với thực tế và mang tính khả thi cao hơn. Tuy vậy, quy định của pháp luật lao động về thoả ước lao động tập thể ngành đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Chính vì vậy, vẫn cần phải tiếp tục việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về thoả ước lao động tập thể.
Thương lượng tập thể ở cấp doanh nghiệp để đi tới ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp là hình thái đơn giản nhất, ở Việt Nam cũng mới chỉ có loại này. Tuy nhiên, thương lượng tập thể ở cấp doanh nghiệp cũng có điều bất lợi, nó có thể dẫn tới sự khác nhau trong thu nhập của công nhân làm cùng một nghề, cùng một vùng, khu vực trong các doanh nghiệp khác nhau, công nhân trong các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức sức đấu tranh để có được đồng lương hợp lý. Vì vậy, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở cấp ngành, vùng có sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này. ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước phát triển, thương lượng tập thể diễn ra ở nhiều cấp khác nhau, như cấp quốc gia, cấp vùng, cấp ngành, cấp liên ngành... Kinh nghiệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, để thị trường lao động phát triển lành mạnh, phát huy được vai trò tích cực của các bên trong quan hệ lao động, hạn chế các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, thì thoả ước lao động tập thể ngành có vai trò hết sức quan trọng. Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản... đều đã triển khai ký kết thoả ước lao động tập thể ngành từ rất sớm, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... gần đây cũng triển khai ký kết thoả ước lao động tập thể ngành và thu được kết quả khả quan. Vì vậy, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc, hạn chế các tranh chấp lao động phát sinh thì việc tổ chức ký kết thoả ước lao động tập thể trong phạm vi ngành, trước hết là đối với một số ngành ở nước ta trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
Điều 54 Bộ luật Lao động có quy định: “Những quy định tại chương Thoả ước lao động tập thể được áp dụng cho việc thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ngành”. Tuy nhiên, Nghị định số 196/CP ngày 31/12/1994 và Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về thoả ước lao động tập thể lại không có các quy định về vấn đề này và cho đến nay, cũng chưa có văn bản riêng nào quy định về thoả ước lao động tập thể ngành. Trên thực tế, việc ký kết thoả ước lao động tập thể ngành chưa được triển khai thực hiện, chưa có ngành nào ký kết thoả ước lao động tập thể. Bởi vậy, mối quan hệ lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa được thiết lập thống nhất, chế độ lao động trong các doanh nghiệp trong ngành còn khác nhau, nên đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh các tranh chấp lao động tập thể.
Tuy Điều 54 Bộ luật Lao động cũng đã có quy định về việc áp dụng các quy định về việc ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể ngành, nhưng thực tế không thể áp dụng được bởi thoả ước lao động tập thể ngành có nhiều điểm khác biệt với thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp như về chủ thể tham gia ký kết (cấp ngành đòi hỏi là công đoàn ngành và giới chủ theo ngành), nội dung ký kết (cấp ngành yêu cầu nội dung phải phù hợp trong toàn ngành), điều kiện về tỷ lệ lấy ý kiến người lao động (doanh nghiệp quy định trên 50% lao động nhưng với cấp ngành chưa có quy định), cấp đăng ký thoả ước (doanh nghiệp quy định đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ngành chưa có quy định), phạm vi áp dụng thoả ước.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa ký kết thoả ước lao động tập thể ngành ở nước ta là do chúng ta chưa có các quy định về phân ngành rõ ràng và chưa xây dựng được hiệp hội giới chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn đồng bộ theo ngành, làm cơ sở để ký kết thoả ước lao động tập thể ngành.
Hiện tại, Nhà nước có quy định về phân ngành kinh tế quốc dân, với 5 cấp ngành, từ cấp I đến cấp V. Việc phân ngành này để xác định quy mô, cơ cấu nền kinh tế quốc dân và phục vụ cho công tác thống kê, kế hoạch, thông tin kinh tế của các cấp, các ngành trong cả nước. Trong mỗi ngành, về cơ bản bao gồm đa số các doanh nghiệp có cùng chung tính chất, lĩnh vực, ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng giữa các doanh nghiệp này lại chưa thiết lập được tổ chức đại diện tập thể người lao động chung (công đoàn cấp ngành) và chưa có chung hiệp hội giới chủ hoặc có nhưng không bao trùm hết các doanh nghiệp, hoặc không đồng bộ giữa số doanh nghiệp tham gia hiệp hội giới chủ và số doanh nghiệp tham gia cùng tổ chức công đoàn, nên chưa thể thực hiện việc ký kết thoả ước lao động tập thể theo phân ngành kinh tế này. Mặt khác, hiện Nhà nước cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề nên việc phân loại doanh nghiệp theo ngành để ký kết thoả ước cũng gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, để có thể triển khai việc ký kết thoả ước ngành, chúng ta cần có những tiêu chí để phân loại ngành một cách rõ ràng, đồng thời có những quy định cụ thể về việc thương lượng ký kết thoả ước ngành.
Để có thể thực hiện ký kết thoả ước lao động tập thể ngành, trước hết phải xác định được ngành. Với điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, có 3 phương án để phân ngành:
Phương án I: Việc phân loại ngành được xác định theo phân ngành kinh tế quốc dân quy định tại Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 27/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Ưu điểm của phương án này là cấp ngành có quy mô vừa phải¦, các doanh nghiệp trong ngành cơ bản có sự tương đồng về tính chất, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh (hiện tại ngành kinh tế quốc dân được phân theo 5 cấp, gồm 21 ngành cấp I, 88 ngành cấp II, 242 ngành cấp III, 437 ngành cấp IV và 642 ngành cấp 5, kinh nghiệm một số nước và ý kiến một số chuyên gia cho rằng lựa chọn ngành cấp II là phù hợp.
Nhược điểm là các doanh nghiệp trong ngành ở Việt Nam hiện nay chưa hình thành được tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện giới chủ tương ứng với cấp ngành, hoặc có nhưng không đồng bộ giữa tổ chức công đoàn và giới chủ.
Phương án IIP: Phân theo hệ thống tổ chức công đoàn cấp ngành.
Ưu điểm của phương án này là dễ thực hiện vì hiện tại đã có một số công đoàn ngành. Nhưng nhược điểm là¦, công đoàn cấp ngành hiện nay thường nhỏ hơn, không bao trùm hết được các doanh nghiệp phân theo ngành kinh tế, các tổ chức đơn vị trong phân ngành này nhiều khi không hoàn toàn là các doanh nghiệp và cũng không có sự tương đồng lớn về tính chất, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phương án IIIP: Phân theo nhóm doanh nghiệp có cùng tính chất, lĩnh vực, ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh, có chung một tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động.
Ưu điểm của phương án này là dung hoà được phương án I và phương án II¦; xác lập rõ được chủ thể tham gia ký kết; nội dung ký kết dễ thống nhất vì các doanh nghiệp có sự tương đồng về tính chất, ngành nghề hoạt động. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể hình thành nhiều ngành quy mô nhỏ, chia theo vùng lãnh thổ và vấn đề sẽ chỉ được khắc phục khi hình thành được tổ chức cấp ngành và hiệp hội doanh nghiệp ngành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thiết nghĩ với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay nên lựa chọn phương án III là phù hợp.
Còn đối với pháp luật về thoả ước lao động tập thể ngànhC, các cơ quan có thẩm quyền nên quy định gồm các nội dung cơ bản như:
- Chủ thể đại diện thương lượng và ký kết thoả ước ngành
- Nội dung thương lượng, ký kết
- Trình tự, thủ tục thương lượng ký kết
- Đăng ký thoả ước
- Mối quan hệ giữa thoả ước lao động tập thể ngành và thoả ước doanh nghiệp.
1. Về chủ thể đại diện thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ngành1:
Chủ thể đại diện thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ngành phía đại diện tập thể lao động sẽ là ban chấp hành công đoàn ngành; tổ chức đại diện của giới sử dụng lao động sẽ là ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp ngành. Khi thương lượng, ban chấp hành đoàn ngành và ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp ngành có trách nhiệm cử ra một số thành viên của mỗi bên theo nguyên tắc ngang nhau để tiến hành thương lượng (số lượng thành viên cụ thể do hai bên thoả thuận).
Chủ thể ký kết thoả ước lao động tập thể ngành bên đại diện ban chấp hành công đoàn ngành sẽ là chủ tịch công đoàn ngành (hoặc người do ban chấp hành công đoàn ngành uỷ quyền); đại diện ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp ngành là chủ tịch hiệp hội ngành (hoặc người do các tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp tham gia ký kết thoả ước uỷ quyền).
2. Về nội dung thoả ước lao động tập thể ngành:
Vì thoả ước lao động tập thể ngành được ký ở phạm vi rộng hơn nên thiết nghĩ, nội dung thoả ước lao động tập thể ngành không bắt buộc phải có cả 6 nội dung cơ bản của quan hệ lao động như thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp, vì như vậy sẽ rất khó thống nhất mà chỉ gồm những nội dung thiết yếu nhất của quan hệ lao động mà thực tế hay có sự tranh chấp. Đó là thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động. Ngoài ra, các bên có thể thoả thuận thêm một số điều khoản khác mà các bên thấy cần thiết như tiền ăn giữa ca, quỹ phúc lợi, tiền nghỉ mát, tham quan...
3. Về trình tự thương lượng và ký kết thoả ước ngành:
Việc đề xuất nội dung yêu cầu thương lượng thoả ước ngành sẽ do hai bên (ban chấp hành công đoàn ngành và ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp ngành) đưa ra. Sau khi các bên cùng chấp nhận yêu cầu, hai bên có trách nhiệm cử ra một số đại biểu đại diện cho mỗi bên để tiến hành thương lượng. Số lượng đại biểu đại diện cụ thể của mỗi bên do hai bên thoả thuận; trong quá trình thương lượng, các bên có quyền tham vấn cá nhân, tổ chức liên quan (nếu thấy cần thiết). Các nội dung sau khi thương lượng đi đến thống nhất giữa các bên sẽ là căn cứ để đi đến ký kết thoả ước lao động tập thể ngành.
Trên cơ sở nội dung thoả ước lao động tập thể đã được thống nhất giữa hai bên trong quá trình thương lượng, ban chấp hành công đoàn ngành có trách nhiệm lấy ý kiến của từng công đoàn doanh nghiệp trực thuộc và ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm lấy ý kiến đại diện người sử dụng lao động của từng doanh nghiệp trong hiệp hội. Việc lấy ý kiến và tham gia ý kiến phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ý kiến tham gia phải ghi rõ những nội dung đồng ý và không đồng ý. Đối với công đoàn doanh nghiệp, trước khi tham gia ý kiến phải tổ chức lấy ý kiến của người lao động trong doanh nghiệp.
Thoả ước được ký kết khi có trên 50% số công đoàn doanh nghiệp và trên 50% số đại diện sử dụng lao động của từng doanh nghiệp trong ngành nhất trí. Trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên không đạt được tỷ lệ này thì tổ chức thương lượng lại.
4. Về đăng ký thoả ước lao động tập thể ngành:
Tương tự như thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp, thoả ước lao động tập thể ngành sau khi được ký kết cũng phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp sẽ là cơ quan lao động cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), nơi có trụ sở chính của Hiệp hội doanh nghiệp ngành.
Thoả ước lao động tập thể ngành sau khi có hiệu lực pháp luật sẽ được thông báo đến từng doanh nghiệp trong ngành để phổ biến đến người lao động, đồng thời gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi có doanh nghiệp thành viên đóng trụ sở chính một bản để biết.
5. Về mối quan hệ giữa thoả ước lao động tập thể ngành và doanh nghiệp:
Thoả ước lao động tập thể ngành được áp dụng thống nhất ở các doanh nghiệp trong ngành; các nội dung của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp không được trái với nội dung của thoả ước lao động tập thể ngành. Nội dung hợp đồng lao động trong doanh nghiệp không được trái với nội dung của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp và thoả ước lao động tập thể ngành.
Việc triển khai ký kết thoả ước lao động tập thể ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, như đã phân tích, đây cũng là vấn đề mới và khó bởi điều kiện các doanh nghiệp ở Việt Nam trong phạm vi ngành không hẳn đã tương đồng. Bởi vậy, trước khi ban hành các quy định về việc ký kết thoả ước lao động tập thể ngành nên chăng chúng ta cũng nên áp dụng thí điểm việc ký kết thoả ước lao động tập thể ngành ở một số ngành. Theo Đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới trước mắt chúng ta sẽ áp dụng thí điểm việc ký kết thoả ước ngành ở 3 ngành. Đó là ngành Dệt may, ngành Da giày và ngành Than. Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn 3 ngành này là thí điểm ký kết thoả ước lao động tập thể cũng là hợp lý. Bởi ngành Dệt may hiện đã hình thành được công đoàn ngành Dệt may và Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam. Ngành Da giày đã có Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhưng chưa có công đoàn ngành (hiện công đoàn ngành này vẫn trực thuộc công đoàn ngành Công thương), vì vậy, để có thể thực hiện được việc ký kết thoả ước lao động tập thể, trong thời gian tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần sớm hướng dẫn để hình thành riêng tổ chức công đoàn ngành Da giày. Ngành Than thì đã có công đoàn ngành Than, nhưng lại chưa thành lập được hiệp hội doanh nghiệp ngành. Hiện đang có ý kiến đề nghị trước mắt, nên xác định Ban giám đốc Công ty mẹ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm đại diện chung các doanh nghiệp trong ngành, vì đa số các doanh nghiệp trong ngành than đều thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và hiện nay, Công ty mẹ này cũng giữ cổ phần chi phối ở đa số các doanh nghiệp trong tập đoàn. Tuy nhiên, theo lựa chọn này thì có vướng mắc là Ban Giám đốc Công ty mẹ còn là cơ quan đại diện cho cả Nhà nước và Công ty mẹ cũng là một pháp nhân độc lập như các công ty thành viên, có vai trò như nhau. Vì vậy, nếu có tổ chức thí điểm ký kết thoả ước lao động tập thể cho ba ngành này thì sẽ phải tìm giải pháp giải quyết các tồn tại.
Song song với việc triển khai thực hiện việc ký kết thoả ước lao động tập thể ngành, chúng ta cũng cần phải tiến tới việc ký kết thoả ước lao động tập thể vùng mà trước mắt có thể là thoả ước tập thể ở các khu chế xuất và khu công nghiệp. Điều kiện lao động và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp về cơ bản là tương đồng với nhau, rất thuận lợi cho việc ký kết thoả ước lao động tập thể. Hơn nữa, thực tế các cuộc đình công vừa qua cũng cho thấy, người lao động ở cùng khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc địa phương hay có phản ứng đình công theo dây chuyền. Hiện tượng này có thể được khắc phục nếu chúng ta có quy định về thoả ước lao động vùng (khu chế xuất, khu công nghiệp). Thực tế hiện nay cũng thuận lợi cho chúng ta triển khai thực hiện loại hình thỏa ước này. Đây cũng là xu hướng chung của các nước công nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới thì chúng ta càng cần phải đẩy mạnh loại hình thoả ước này. /.
Ths. Đỗ Năng Khánh
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780