Từ ngày 20/03/2015 người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động bồi thường hoặc trợ cấp tương ứng với quy định của pháp luật.
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo đó, người lao động (NLĐ) sẽ được bồi thường tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp khi bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trừ trường hợp tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động (kể cả trường hợp NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở ngoài phạm vi doanh nghiệp cho dù do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn.
NLĐ bị bệnh nghề nghiệp theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp sau.
NLĐ bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp theo kết quả thực hiện khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ.
Người sử dụng lao động bồi thường từng lần đối với NLĐ bị tai nạn lao động. Tai nạn lao động lần nào thì thực hiện bồi thường lần đó. NSDLĐ không được cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
NSDLĐ bồi thường đối với NLĐ bị bệnh nghề nghiệp theo từng lần và theo nguyên tắc: Lần thứ nhất thì căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu. Từ lần thứ hai trở đi thì căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
Về mức bồi thường được tính như sau:
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.
Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương.
Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. NSDLĐ có thể tra bảng tính mức bồi thường hoặc tính theo công thức sau:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Trợ cấp tai nạn lao động
NLĐ bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết thì được trợ cấp khi xảy ra một trong những trường hợp sau: Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động; Tai nạn xảy ra đối với NLĐ khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (kể cả trường hợp do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn)
Trợ cấp tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Theo đó, mức trợ cấp được tính như sau:
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động: ít nhất bằng 12 tháng tiền lương.
Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương.
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: thì tra bảng tính mức bồi thường từ NSDLĐ đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định hoặc tính theo công thức dưới đây:
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
Ttc: Mức trợ cấp cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Ngoài ra, PLF cũng lưu ý các doanh nghiệp, các mức bồi thường, trợ cấp như nêu trên là mức tối thiểu.Việc NSDLĐ bồi thường, trợ cấp cho NLĐ ở mức cao hơn luật định được Nhà nước khuyến khích thực hiện.
Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, NLĐ vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Nguồn: Đới sống pháp luật
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780