Tranh chấp trong thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Doanh nghiệp sẽ phải đối phó với tình trạng này như thế nào? Chọn tòa án hay trọng tài để giải quyết các tranh chấp đó…?
Mạnh hay yếu?
Không đưa ra khuyến cáo cụ thể đối với doanh nghiệp, song LS. Trần Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Hội thảo “Doanh nghiệp hội nhập: Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư”, do Báo Đầu tư và VIAC phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, đã “đặt lên bàn cân” những điểm mạnh và điểm yếu của hai cơ quan tài phán là tòa án và trọng tài để doanh nghiệp quyết định lựa chọn đâu là nơi sẽ xử lý, giải quyết những tranh chấp của mình.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, điểm mạnh lớn nhất của trọng tài chính là thời gian xử lý nhanh, không công khai, trọng tài viên có trách nhiệm giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, không kháng cáo. Ngược lại, với tòa án, thời gian xử lý có thể bị kéo dài, do các bên gặp phải sự kháng cáo kéo dài và tốn kém, các bản án lại công khai, thủ tục mang tính bắt buộc, phạm vi thi hành hẹp hơn… Tuy nhiên, trong khi toà án có những thẩm quyền đương nhiên, có thẩm quyền xét xử liên quan đến bên thứ ba và có thể trực tiếp ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì trọng tài lại không thể, thẩm quyền cũng do các bên thỏa thuận và cũng không có thẩm quyền xét xử bên thứ ba liên quan (trừ khi có thỏa thuận trọng tài).
Tương tự như vậy, ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế (Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, quyết định chọn cơ quan tài phán nào là phụ thuộc vào doanh nghiệp và tốt nhất, doanh nghiệp nên đưa quyết định đó vào những điều khoản cụ thể của hợp đồng kinh tế. Theo ông Phạm Tuấn Anh, doanh nghiệp Việt Nam thường không quan tâm đến vấn đề tranh chấp, nên khi ký hợp đồng ít đặt ra vấn đề khi phát sinh tranh chấp phải giải quyết tại đâu, bởi thế, kết cục cuối cùng là tìm đến tòa án.
“Theo quy định, nếu doanh nghiệp thỏa thuận chọn cơ quan trọng tài và đưa ra tên chính xác, chẳng hạn VIAC bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì đương nhiên tòa án không can thiệp được, nhưng nếu chọn trọng tài không rõ ràng, thì thỏa thuận đó là vô hiệu, tòa án sẽ giải quyết”, ông Phạm Tuấn Anh nói và cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ít quan tâm đến trọng tài, cho dù hình thức xử lý tranh chấp thông qua trọng tài “mềm dẻo” hơn.
Thực tế cũng cho thấy, nếu như trong năm 2006, tòa Kinh tế (Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội) phải giải quyết 159 vụ tranh chấp; năm 2007 là 226 vụ, bình quân một thẩm phán xử 32 vụ/năm, thì VIAC chỉ xử lý 25 vụ kiện/năm, bình quân 4 trọng tài viên mới xử lý một vụ/năm. Vì sao có sự chênh lệch này? Theo LS. Trần Hữu Huỳnh, đó là vì khung pháp luật về trọng tài trước đây bất cập, khiến doanh nghiệp chưa tin tưởng vào trọng tài; doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết các thuận lợi của hình thức trọng tài và chưa có thói quen lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp qua trọng tài.
Chọn trọng tài hay tòa án?
Vậy nên chọn trọng tài hay tòa án để giải quyết các tranh chấp? Tại sao doanh nghiệp nước ngoài thường chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thay vì tòa án? Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn tòa án để giải quyết các vụ tranh chấp. Điều này khiến các tòa án kinh tế rơi vào tình trạng quá tải, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Thực tế trên cũng đã được cảnh báo từ khá lâu. Bởi nhiều khi, chuyện hình sự hóa các quan hệ kinh tế có thể khiến doanh nghiệp bị thiệt thòi, thậm chí vướng vào vòng lao lý chỉ vì những phán quyết cứng nhắc của tòa án. Trong khi đó, thỏa thuận giữa hai bên, với sự xét xử của trọng tài, do chính doanh nghiệp lựa chọn, sẽ mang lại các cơ hội xử lý tranh chấp mềm dẻo hơn, tránh những xung đột kiểu năm ăn, năm thua.
Đặc biệt, với các tranh chấp liên quan đến vấn đề quản trị doanh nghiệp, mà ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã chỉ ra, như tranh chấp về tư cách cổ đông, về phương thức và tài sản vốn góp, về quyền điều hành công ty… nếu đưa ra tòa, có thể sẽ khiến mâu thuẫn trở nên gay gắt và mở rộng thêm.
Trong vấn đề này, thực tế đã chứng minh, các can thiệp mang tính hành chính không thể hiệu quả bằng các thương lượng, hòa giải. Việc bổ nhiệm ai nắm quyền lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là trong các công ty cổ phần, là thuộc về đại hội đồng cổ đông, chứ không phải bằng các mệnh lệnh hành chính của các cơ quan chủ quản. Các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng tương tự như vậy, được khuyến cáo là nên tìm đến trọng tài.
Tuy vậy, không thể không thừa nhận vai trò của tòa án trong các phán quyết liên quan đến các tranh chấp thương mại và đầu tư của doanh nghiệp. Có những vụ việc, chỉ có thể xử lý bằng tòa án, chẳng hạn các tranh chấp ngoài hợp đồng và những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tòa án cũng có vai trò hỗ trợ và giám sát rất lớn đối với việc thực thi các phán quyết của trọng tài. Chẳng hạn, tòa án có thể chỉ định trọng tài viên, thay thế trọng tài viên, giải quyết yêu cầu hủy quyết định trọng tài và đặc biệt, có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời…
Không khuyến cáo doanh nghiệp nên chọn trọng tài, hay tòa án, vì đó là quyền của doanh nghiệp, song ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, những tranh chấp nảy sinh trên đất Việt Nam, nên được đưa đến tòa án, hay trọng tài Việt Nam giải quyết, tránh những tốn kém không đáng có về cả thời gian lẫn tiền bạc.
Và tất nhiên, còn một khuyến cáo nữa, các doanh nghiệp đã và đang được nghe từ lâu, đó là làm sao hạn chế được các tranh chấp có thể xảy ra. Bởi kèm theo tranh chấp là doanh nghiệp có thể bị sụt giảm uy tín, vấn đề cực kỳ quan trọng trong kinh doanh và đầu tư. Hơn thế, việc phải đưa ra xét xử, dù ở tòa án hay qua trọng tài, doanh nghiệp cũng ít nhiều tổn hao chi phí, thời gian, bởi việc các phán quyết của tòa án, cũng như của trọng tài kém hiệu lực thi hành trong thời gian qua có thể khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng “chờ được vạ, thì má đã sưng”...
Nâng cao hiệu quả thi hành án
“Một trong những lý do quan trọng khiến doanh nghiệp ít lựa chọn trọng tài để xử lý tranh chấp là xuất phát từ yếu tố tâm lý. Từ trước tới nay, cứ nghĩ tới tranh chấp bao giờ doanh nghiệp cũng muốn đưa vụ việc đến toà án, bởi họ luôn nghĩ rằng, phán quyết của toà án có sức mạnh thực thi hơn”, LS.Nguyễn Bình An, Văn phòng Luật Ngọn lửa Việt cho biết. Cũng theo ông An, nguyên nhân chính của tình trạng các doanh nghiệp còn “thờ ơ” với hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chính là bởi doanh nghiệp còn hồ nghi sức mạnh của phán quyết trọng tài.
“Quyết định của trọng tài là chung thẩm, nên khi các trọng tài đưa ra quyết định về một vụ việc, doanh nghiệp không còn cơ hội để đòi thêm những quyền lợi cho mình. Điều này lại hoàn toàn có thể nếu họ đưa vụ việc ra xử lý tại toà án, bởi họ có quyền khiếu nại về bản án đã được tuyên”, ông An nói.
Tuy vậy, ngay cả với các phán quyết của tòa án, thì không phải lúc nào cũng được thi hành nghiêm túc. Thực tế thi hành án tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy, vẫn còn rất nhiều các phán quyết của toà án không được thực thi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này cũng đã được ông Phạm Tuấn Anh thừa nhận. “Hiệu lực thi hành kém là do cơ quan thi hành án chưa phát huy hết khả năng.
Phán quyết của cơ quan tài phán chỉ quyết định 50% tính hiệu lực của bản án, phần còn lại là trách nhiệm của cơ quan thi hành án”, ông Phạm Tuấn Anh nói và phân tích rằng, ngay cả những phán quyết của tòa án về hòa giải thành công nhiều khi cũng không thực hiện được. Lúc đó, phải cưỡng chế, chẳng hạn bằng cách phong tỏa tài sản, song cơ quan thi hành án lại không thực hiện một cách triệt để. Hơn nữa, nhiều khi, quyết định phong tỏa tài sản, nhưng trong tài khoản đó của doanh nghiệp không còn một đồng, mà lại nằm ở một tài khoản khác, nên việc cưỡng chế trở nên vô nghĩa...
Chính vì thế, để cả phán quyết của trọng tài và tòa án được thực thi và tạo sự tin tưởng cho các doanh nghiệp trước mỗi vụ việc tranh chấp, cơ quan thi hành án cần nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của mình.
Hà Nguyễn
Nguồn: Vietnam Investment Review
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780