Dự thảo Luật Nuôi con nuôi đang trong lộ trình hoàn thiện, nhằm đưa ra các quy định pháp lý phù hợp cho việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Dự Luật vẫn chưa đề cập việc đăng ký khai sinh để bảo đảm quyền lợi cho người con nuôi, trong khi việc thực hiện quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này đang còn vướng mắc.
Vướng khi thay đổi phần khai cha, mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì những người có mối quan hệ gia đình đều có quyền nhận nuôi con nuôi, chẳng hạn mẹ kế có quyền nhận con riêng của chồng, cha dượng có quyền nhận con riêng của vợ làm con nuôi, khi có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi) thì không giải quyết. Thực tế cho thấy, vướng mắc nảy sinh khi giải quyết việc thay đổi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của người con nuôi. Ví dụ, cháu Trương Văn T đăng ký khai sinh ngoài giá thú (không có tên cha trong giấy khai sinh), mẹ là Trương Thị A. Sau đó, cha dượng của cháu T là ông Huỳnh Văn C đến UBND xã xin nhận cháu T làm con nuôi. Sau khi kiểm tra hồ sơ thủ tục, cán bộ tư pháp xã tiến hành giải quyết việc nuôi con nuôi. Nhưng, khi ông C yêu cầu bổ sung phần khai người cha vào bản chính giấy khai sinh của cháu T thì cán bộ tư pháp “vướng”, vì theo quy định hiện hành, có nhiều ý kiến khác nhau về việc giải quyết vấn đề này.
Thứ nhất, giải quyết việc bổ sung phần khai người cha nuôi vào bản chính giấy khai sinh của cháu T và ghi chú “cha nuôi” trong sổ đăng ký khai sinh theo quy định bổ sung hộ tịch của Nghị định 158. Tuy nhiên, đây là trường hợp nhận nuôi con nuôi, nên việc thay đổi phần khai về cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Nghị định 158: trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ – từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi. Điều 28, Nghị định 158 không quy định việc bổ sung phần khai về cha, mẹ trong trường hợp nuôi con nuôi.
Thứ hai, không giải quyết việc bổ sung tên người cha nuôi vào bản chính giấy khai sinh của cháu T, vì tại Điểm b, Khoản 3, Thông tư liên tịch số 01 hướng dẫn Nghị định 158 quy định: không giải quyết việc thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại. Do đó, nếu giải quyết việc bổ sung tên ông C. vào giấy khai sinh của cháu T. thì trái quy định của Thông tư 01, vì giấy khai sinh của cháu T. sẽ có nội dung của cha nuôi (ông C) và mẹ đẻ (bà A). Các ý kiến hiện chưa thống nhất, do pháp luật quy định chưa cụ thể, nên khi giải quyết các giấy tờ hộ tịch của người con nuôi, cán bộ tư pháp cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Giấy khai sinh con nuôi không đủ cha, mẹ
Một trường hợp khác cho thấy, giấy tờ hộ tịch khi giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi gặp nhiều bất cập: ông Phan Hữu T (chưa có vợ) yêu cầu UBND xã giải quyết việc nhận nuôi con nuôi đối với cháu Phan Hữu L có cha đẻ là ông Phan Hữu K, mẹ đẻ là bà Võ Thị N. Bản chính giấy khai sinh của cháu Phan Hữu L được đăng ký đầy đủ nội dung về phần khai cha và mẹ, tuy nhiên khi ông T yêu cầu thay đổi phần khai từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi thì giấy khai sinh của người con nuôi, phần khai về cha, mẹ, chỉ có tên người cha nuôi; phần khai người mẹ không có (vì ông T chưa có vợ). Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người con nuôi.
Các trường hợp trên cho thấy, những bất cập từ các quy định pháp lý về đăng ký và quản lý hộ tịch, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợåi ích hợåp pháp cuả người con nuôi – Nếu không được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp sẽ vướng trong việc đăng ký nuôi con nuôi và Luật Nuôi con nuôi được ban hành sẽ khó thực thi.
(Nguồn: http://www.nguoidaibieu.com.vn/)
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780