Phá sản là hiện tượng kinh tế khách quan trong nền kinh tế thị trường mà hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp và những người lao động trong doanh nghiệp mà còn tác động lớn đến các chủ thể khác là chủ nợ, đối tác và các thành phần khác trong nền kinh tế tùy vào quy mô của doanh nghiệp phá sản. Nhà nước, thông qua pháp luật phá sản để can thiệp vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp, nhằm giải quyết xung đột lợi ích của các chủ thể đó theo đúng bản chất vốn có với một cách nhìn hiện đại, năng động và hết sức mềm dẻo.
Luật Phá sản năm 2004 thay thế Luật Phá sản năm 1993 mặc dù đã ra đời và có hiệu lực gần 10 năm nhưng đã bộc lộ hàng loạt khiếm khuyết và hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Quốc hội đã họp và thông qua Luật Phá sản năm 2014 nhằm giải quyết những hạn chế trên.
Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2015 có những điểm mới cơ bản như sau:
1. Phạm vi áp dụng của luật phá sản:
Nếu như Luật Phá sản 2004 quy định hiệu lực của luật phá sản áp dụng “khi giải quyết phá sản đối với DN, HTXhoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp phạm vi áp dụng chỉ đối với “DN, HTX được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quy định này rõ ràng mang tính thực tế và khả năng áp dụng cao hơn so với quy định cũ. Bởi lẽ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các DN Việt Nam và DN nước ngoài có hoặc không có trụ sở đặt tại Việt Nam. Vì vậy, đối với các DN nước ngoài mà không có trụ sở, không có tài sản mà chỉ có một số hoạt động tại Việt Nam, khi mất khả năng thanh toán mà áp dụng Luật Phá sản của Việt Nam để giải quyết là phi thực tế và không có khả năng thực hiện được.
2. Định nghĩa rõ ràng tình trạng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” và thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 định nghĩa rằng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”
Khác với luật Phá sản năm 2004 chỉ quy định chung chung “DN, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.
Như vậy, Luật Phá sản 2014 đã đưa ra một khoàng thời hạn “03 tháng” để DN, HTX khi không có khả năng thanh toán có thể tìm các phương án khác để thanh toán nợ đến hạn trước khi bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định này phù hợp với kinh nghiệm lập pháp của một số nước khi cho phép con nợ có thời hạn trễ hạn thanh toán sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ, đồng thời khắc phục tình trạng lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía các chủ nợ như quy định cũ. Từ quy định này, luật cho phép các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Đồng thời Luật Phá sản 2014 cũng quy định rõ “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Tức là chỉ khi Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản thì DN, HTX đó mới bị coi là phá sản.
3. Về các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
So với luật cũ, Luật Phá sản 2014 quy định theo hướng mở rộng phạm vi và tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trước đây trong Luật Phá sản 2004, người lao động phải nộp đơn thông qua đại diện, thì trong luật mới, người lao động có quyền tự mình nộp đơn mà không cần phải thông qua đại diện.
Đối với công ty cổ phần, Luật Phá sản 2004 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn, trong Luật Phá sản mới vẫn giữ nguyên quy định này, đồng thời cũng cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn nếu điều lệ công ty có quy định.
4. Về thẩm quyền của Tòa án:
Phù hợp với quy định của Luật tố tụng dân sự năm 2004, Luật Phá sản 2014, quy định thẩm quyền của Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ khác với quy định tại luật cũ.
Luật Phá sản 2004, quy định theo hướng DN, HTX do cơ quan cấp nào cấp đăng ký kinh doanh thì do Tòa án cấp ấy có thẩm quyền giải quyết, do đó, Tòa án cấp huyện chỉ có quyền giải quyết thủ tục phá sản đối với HTX do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp, còn DN, HTX do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp thì do Tòa án cấp tỉnh xử lý. Do đó, thực tế đa phần Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản đối với tất cả doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã thành lập trên địa bàn, còn Tòa án cấp huyện chỉ giải quyết thủ tục phá sản đối với Hợp tác xã. Việc căn cứ vào thẩm quyền đăng ký kinh doanh để quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án là hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc pháp lý.
Khắc phục những khiếm khuyết đó, Luật Phá sản 2014 quy định theo hướng loại trừ, tức là trừ những vụ việc phá sản có tình tiết đặc biệt (có yếu tố nước ngoài, có địa điểm ở nhiều quận huyện khác nhau, hoặc tòa cấp tỉnh lấy lên giải quyết) thì còn lại, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với DN, HTX có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó (Điều 8).
Để đảm đảm bảo tính khách quan, Luật Phá sản mới bổ sung quy định về trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thẩm phán trong quá trình giải quyết phá sản. Đồng thời, Luật cũng bỏ quy định “Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó”. Vì theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và hoạt động trong khuôn khổ luật doanh nghiệp. Tòa án cấp huyện đương nhiên có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của doanh nghiệp này, trừ khi nó có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.
5. Thay thế chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản bằng một chế định hoàn toàn mới là Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:
Luật Phá sản 2004 quy định việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện được thành lập bởi quyết định của Thẩm phán đồng thời với quyết định mở thủ tục phá sản. Thành phần của Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm “Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm Tổ trưởng; Một cán bộ của Toà án; Một đại diện chủ nợ; Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản; Đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện các cơ quan chuyên môn nếu cần thiết”.
Thay thế quy định cũ, Luật Phá sản 2014 quy định về hoạt động của Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo đó, quản lý, thanh lý tài sản là một nghành nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 12, 13). Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện nhiệm vụ (i) quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; (ii) Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật; (iii) Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; (iv) yêu cầu Thẩm phán tiến hành một số công việc cần thiết. Quy định trên tạo ra sự khách quan, chuyên nghiệp trong quá trình quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, đảm bảo thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật.
6. Kéo dài thời gian quy định về giao dịch bị coi là vô hiệu đối với DN, HTX mất khả năng thanh toán:
Luật phá sản 2004 quy định thời gian thực hiện các giao dịch bị coi là vô hiệu trong vòng 03 tháng trước ngày tòa án nhân dân thụ lý đơn, thì nay thời gian này được nâng lên là trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản. Sau khi thụ lý đơn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Thẩm phán mới ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Như vậy, so với quy định cũ, Luật mới kéo dài thời hạn đối với các giao dịch vô hiệu thêm 2 tháng. Việc kéo dài thời gian tính các giao dịch bị coi là vô hiệu nhằm tránh tình trạng tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ.
Ngoài một những điểm đã nêu trên, Luật phá sản 2014 còn có một số điểm mới đáng chú ý khác như quy định người yêu cầu có thể nộp đến Tòa qua đường bưu điện, ngày nộp đơn tính từ ngày có dấu bưu điện nơi gửi; Bổ sung phương án thương lượng giữa các bên trước khi Tòa thụ lý đơn yêu cầu của chủ nợ, trước đây không quy định; Người nộp đơn phải nộp lệ phí phá sản cho THA Dân sự và tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do TAND mở tại ngân hàng...
Luật phá sản 2014 ra đời được đánh giá như là một cố gắng mới của các nhà lập pháp nước ta trong việc nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với hiện tượng kinh tế khách quan có vai trò không nhỏ này trong đời sống kinh tế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, Luật mới vẫn chưa khắc phục được tất cả những điểm bất cập của Luật phá sản 2004 mà những nhà nghiên cứu đã chỉ ra. Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là Luật có thực sự đi vào thực tế, và giải quyết được những bất cập trong giải quyết phá sản của DN, HTX hiện nay hay không, điều này không chỉ phụ thuộc vào khả năng của những nhà lập pháp mà còn do các cơ quan thi hành pháp luật và tòa án thực hiện.
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780