Luật Cạnh tranh là một chuyên ngành luật còn khá mới mẻ so với các ngành luật truyền thống khác như luật dân sự, hình sự... Trên thế giới, Ca-na-đa là quốc gia đầu tiên ban hành luật cạnh tranh (năm 1899). Tuy nhiên, khi nói đến luật cạnh tranh, người ta vẫn coi Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng ngành luật này với đạo luật Sherman Act (năm 1890) và Clayton Act (năm 1914), tương tự như khi nhắc đến Cộng hòa Pháp với Bộ luật Dân sự Na-pô-lê-ông (năm 1804). Các nguyên tắc, chế định trong luật cạnh tranh của Hoa Kỳ có ảnh hưởng ít nhiều đến luật cạnh tranh của các quốc gia đi sau. Ở Châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia khác, luật cạnh tranh được biết đến muộn hơn , chủ yếu là sau Đại chiến thế giới lần thứ II.
I. KHÁI NIỆM LUẬT CẠNH TRANH:
1. Cạnh tranh và các yếu tố của cạnh tranh:
Muốn hiểu về luật cạnh tranh, trước hết cần phải hiểu cạnh tranh là gì và nó được cấu thành bởi những yếu tố nào?
1.1. Khái niệm cạnh tranh:
Theo từ điển Cornu của Pháp, thì cạnh tranh được hiểu là: ‘‘Chạy đua trong kinh tế; hành vi của các doanh nghiệp độc lập với nhau và là đối thủ của nhau cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nhằm làm thỏa mãn nhu cầu giống nhau, với sự may rủi của mỗi bên, thể hiện qua việc lôi kéo được hoặc để bị mất đi một lượng khách hàng thường xuyên’’
‘‘Chạy đua, trên một thị trường mà cấu trúc và sự vận hành đáp ứng các điều kiện của quy luật cung cầu của một bên là các nhà cung cấp với bên kia là những người sử dụng hoặc tiêu dùng hàng hóa hoặc dịch vụ được tự do tiếp cận và các quyết định kinh doanh không phải là hệ quả của áp lực hoặc những ưu đãi do pháp luật mang lại’’.
Như vậy, cạnh tranh bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, khách hàng thường xuyên. Đây là đối tượng và cũng là mục tiêu mà tất cả các bên tham gia cạnh tranh đều hướng tới thu hút, lôi kéo. Trong luật cạnh tranh, khách hàng còn được gọi với các tên khác nhau như ‘‘người tiêu dùng’’ hoặc ‘‘người sử dụng’’. Cần nhấn mạnh rằng, khách hàng không phải là đối tượng thuộc sở hữu của riêng ai mà thuộc về doanh nghiệp nào mong muốn và có phương pháp thu hút họ một cách tốt nhất. Các doanh nghiệp được quyền sử dụng tất cả các biện pháp mà pháp luật không cấm để thu hút, lôi kéo khách hàng về phía mình. Chính vì vậy, trong luật cạnh tranh xuất hiện khái niệm ‘‘tính hợp pháp của thiệt hại cạnh tranh’’, nôm na được hiểu là khi một doanh nghiệp sử dụng các biện pháp mà pháp luật không cấm để thu hút khách hàng về phía mình thì doanh nghiệp khác bị ‘‘thiệt hại’’, biểu hiện qua việc bị mất một lượng khách hàng thường xuyên mà không có căn cứ pháp lý để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, các bên tham gia cạnh tranh (chủ yếu là các doanh nghiệp). Muốn có cạnh tranh thì đương nhiên phải có ít nhất là 02 doanh nghiệp trở lên là đối thủ của nhau. Nếu không có đối thủ, hay nói cách khác là tình trạng độc quyền, thì cạnh tranh không thể diễn ra và do vậy, luật cạnh tranh cũng không có cơ sở kinh tế-xã hội để tồn tại. Chính vì vậy mà kiểm soát độc quyền vẫn thường được xem vừa là một bộ phận cấu thành, vừa là một trong những mục tiêu hàng đầu của luật cạnh tranh.
Thứ ba, một môi trường chính trị, pháp lý tạo thuận lợi cho cạnh tranh. Đó chính là nền kinh tế thị trường. Cạnh tranh chỉ có thể diễn ra trong môi trường mà tự do khế ước, tự do kinh doanh được thừa nhận như là những quyền cơ bản của công dân. Đương nhiên tự do nào cũng phải có giới hạn và tự do cạnh tranh với tính chất là hệ quả của tự do kinh doanh càng không phải là ngoại lệ. Vì vậy mà về bản chất, luật cạnh tranh được xem là luật điều tiết cạnh tranh.
Thứ tư, thị trường liên quan. Đây là một trong những khái niệm cơ bản của luật cạnh tranh và trước tiên, nó thuộc về phạm trù kinh tế. Nội hàm của nó thường được xác định thông qua hai yếu tố là thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan [4]. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng, giá cả... Còn thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể (có thể là một khu phố, một tỉnh, một vùng, một quốc gia, thậm chí trên nhiều quốc gia) mà trên đó hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế được cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và khu vực địa lý này phải có sự khác biệt đáng kể với khu vực địa lý lân cận.
Chỉ có thể nói đến cạnh tranh khi đã xác định được thị trường liên quan. Khi xử lý các vụ việc về cạnh tranh thì việc xác định thị trường liên quan chính là công việc đầu tiên mà các chủ thể áp dụng luật cạnh tranh cần phải tiến hành.
1.2. Khái niệm luật cạnh tranh:
Theo cố giáo sư Y. SERRA [5] thì luật cạnh tranh là ‘‘tổng hợp các quy phạm pháp luật áp dụng đối với các tác nhân kinh tế trong hoạt động cạnh tranh nhằm đảm bảo cho cạnh tranh diễn ra một cách hợp lý, tức là không thái quá’’.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ cho chúng ta thấy rằng pháp luật là công cụ điều tiết các quan hệ xã hội, là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng vốn do cơ sở hạ tầng quyết định. Luật cạnh tranh ra đời khi và chỉ khi có cơ sở kinh tế-xã hội cho nó tồn tại, đó chính là nền kinh tế thị trường với nguyên tắc nền tảng là tự do khế ước, tự do kinh doanh. Luật cạnh tranh điều chỉnh trở lại quyền tự do khế ước, tự do kinh doanh thông qua việc xác định những hành vi mà các chủ thể kinh doanh không được phép làm. Nói cách khác, luật cạnh tranh chính là luật điều tiết cạnh tranh, là các biện pháp mà nhà nước sử dụng để đảm bảo cho cạnh tranh không diễn ra một cách nguyên thủy, vô chính phủ. Việc điều tiết cạnh tranh xuất phát từ mấy lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, để bảo vệ cạnh tranh, nói cách khác là bảo vệ thị trường. Trong một nền kinh tế luôn tồn tại những doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Joseph Stiglitz (giải Nobel kinh tế năm 2001) đã cho rằng các doanh nghiệp lớn luôn có xu hướng hạn chế cạnh tranh. Đơn giản là vì khi nắm giữ độc quyền, họ dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận hơn là việc phải không ngừng vận động tìm cách sáng tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn. Khi đã có quyền lực thị trường trong tay (nắm giữ vị trí độc quyền hoặc ít ra là vị trí thống lĩnh), doanh nghiệp sẽ tìm cách thu lợi nhuận một cách nhiều nhất bằng cách hạn chế lượng sản xuất, tăng giá của sản phẩm. Độc quyền sẽ phá vỡ cấu trúc của thị trường, bóp méo quy luật cung cầu, làm biến dạng thương mại. Để ổn định nền kinh tế, bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, nhà nước phải sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc kiểm soát các doanh nghiệp độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh thị trường (đó là lý do tại sao trong Luật cạnh tranh lại có các quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng ví thống lĩnh, tập trung kinh tế). Về phương diện này, luật cạnh tranh vừa là công cụ hữu hiệu của các chính phủ trong điều tiết kinh tế, bảo vệ quy luật giá trị, bảo vệ cấu trúc của thị trường, vừa là công cụ tự vệ của các doanh nghiệp nhỏ chống lại những bất công do các doanh nghiệp lớn áp đặt.
Thứ hai, để bảo vệ các tác nhân kinh tế, tức là các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh trên thị trường. Để tìm kiếm tối đa lợi nhuận, các doanh nghiệp có thể sử dụng mọi biện pháp, kể cả các biện pháp bi coi là không lành mạnh (dèm pha, nói xấu đối thủ cạnh tranh, gây rối hoạt động của doanh nghiệp cạnh tranh, xâm phạm bí mật kinh doanh...). Trong trường hợp này, luật cạnh tranh có nhiệm vụ bảo vệ các tác nhân kinh tế chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đó là lý do ra đời của các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, các quy định cấm phân biệt đối xử, minh bạch trong quan hệ thương mại...). Ở phương diện này, luật cạnh tranh là công cụ của mọi doanh nghiệp để chống lại những hành vi thái quá trong cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.
Thứ ba, để bảo vệ người tiêu dùng. Về phương diện này, luật cạnh tranh được coi là ‘‘bổ trợ’’ cho luật bảo vệ người tiêu dùng. Luật cạnh tranh có mục đích tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà người hưởng lợi của cạnh tranh lành mạnh không ai khác chính là người tiêu dùng, bởi lẽ cạnh tranh lành mạnh bao giờ cũng dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp luôn phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để thu hút ngày càng nhiều khách hàng hơn về phía mình.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH, PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA LUẬT CẠNH TRANH:
1. Đối tượng điều chỉnh
Về nguyên tắc, đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh là các chủ thể tiến hành các hoạt động kinh tế, theo đuổi mục đích lợi nhuận. Trên thực tế, đó chủ yếu là các doanh nghiệp. Cần phải nhấn mạnh rằng khái niệm doanh nghiệp trong luật cạnh tranh rất đặc biệt, nó khác với những gì chúng ta đã biết đến trong luật thương mại. Trước hết, tiêu chí để xác định một chủ thể là doanh nghiệp là (i) có tiến hành hoạt động kinh tế (ii) có ‘‘tính độc lập’’ trong việc ra quyết định. Tiêu chí thứ nhất có một số ngoại lệ. Trong rất nhiều trường hợp, những chủ thể không theo đuổi mục đích lợi nhuận (như bảo hiểm xã hội) vẫn có thể bị coi là ‘‘doanh nghiệp’’ và là đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh. Còn tiêu chí thứ hai cho phép loại bỏ những công ty con, đại lý, văn phòng đại diện...không có thẩm quyền ra quyết định kinh doanh một cách độc lập do quan hệ trực thuộc với công ty mẹ.
Đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh còn có thể là các nhóm doanh nghiệp liên kết với nhau dưới hình thức hiệp hội doanh nghiệp, các nghiệp đoàn...
Khi xác định phạm vi đối tượng áp dụng của luật cạnh tranh vấn đề đặt ra là luật cạnh tranh có áp dụng đối với các pháp nhân công quyền hay không, nếu có thì ở mức độ nào? Hoa Kỳ, các nước EU và Nhật Bản từ lâu đã thừa nhận nguyên tắc luật cạnh tranh được áp dụng đối với các pháp nhân công (các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nhà nước). Trước hết, đối với các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước thì xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp nên các chủ thể này hoàn toàn có thể là đối tượng áp dụng của luật cạnh tranh, đặc biệt trong trường hợp khai thác một cách lạm dụng vị trí ưu đãi do pháp luật mang lại. Tuy nhiên đối với các pháp nhân công mà không phải là các doanh nghiệp, tức là các cơ quan nhà nước thì sao? Toà án Tư pháp phúc thẩm của Liên minh Châu Âu đã bày tỏ khá rõ ràng quan điểm về vấn đề này khi khẳng định rằng ‘‘một thực thể, như một cơ quan công quyền cũng có thể bị coi là một doanh nghiệp nhằm mục đích áp dụng các quy phạm của luật cạnh tranh’’ [6]. Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ quan này ra các quyết định tổ chức dịch vụ công cộng hoặc lựa chọn đối tác ký hợp đồng chẳng hạn thì án lệ của Pháp cho rằng đây là các quyết định hành chính thuần túy và không thuộc phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh.
2. Phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh:
2.1. Phạm vi áp dụng ‘‘vật chất’’.
Thuật ngữ phạm vi áp dụng ‘‘vật chất’’ ở đây được chúng tôi sử dụng một cách ước lệ, với hàm ý dùng để chỉ giới hạn, phạm vi các quan hệ xã hội mà luật cạnh tranh điều tiết.
Nhìn chung trên thế giới, luật cạnh tranh được áp dụng đối với mọi hoạt động từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ. Luật cạnh tranh điều chỉnh bất kỳ chu trình nào của quá trình kinh doanh nhằm bảo vệ thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng. Như trên đã phân tích, về nguyên tắc, các hoạt động không mang tính chất ‘‘kinh tế’’ hay các hoạt động hành chính của các cơ quan công quyền tự nó loại khỏi phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối, vì nhiều hoạt động không mang tính lợi nhuận như y tế, thể thao, bảo hiểm, hoạt động của các hiệp hội...vẫn thuộc đối tượng áp dụng của luật cạnh tranh.
2.2. Phạm vi áp dụng theo lãnh thổ.
Các nước đều coi luật cạnh tranh là luật ‘‘trật tự kinh tế công cộng’’ và giới hạn phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh theo nguyên tắc luật cạnh tranh chỉ áp dụng đối với các hành vi được thực hiện và gây tác động đến thị trường trên lãnh thổ của quốc gia đó. Như vậy, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh, vì nó tác động đến thị trường của nước ngoài. Ngay cả thông lệ tư pháp quốc tế cũng cho rằng khi có xung đột pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng hệ thuộc luật của nước nơi mà thị trường bị tác động bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
2.3. Phạm vi áp dụng xét theo ‘‘ngưỡng’’.
Không phải hành vi vi phạm nào cũng cần thiết phải bị xử lý bằng pháp luật mà chỉ khi nào nó đạt đến một ‘‘ngưỡng’’ nhất định thì mới bị xử lý. Đây chính là sự thể hiện nguyên tắc ‘‘tính hợp lý’’ trong luật cạnh tranh. Ngưỡng trong luật cạnh tranh thường được xác định thông qua các tiêu chí kinh tế như doanh thu, thị phần, thị phần kết hợp...Khi không có quy phạm cụ thể về ‘‘ngưỡng’’ thì các chủ thể áp dụng luật cạnh tranh (cơ quan quản lý cạnh tranh, Toà án...) phải tự xác định ngưỡng áp dụng. Đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi phải sử dụng thao tác phân tích kinh tế thì mới có thể giải quyết được vấn đề phát sinh.
Sau đây là văn bản Luật cạnh tranh: [ Luật cạnh tranh]
Liên hệ luật sư tư vấn Luật sở hữu trí tuệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ TRẦN
Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 121 đường Nguyễn Phong Sắc, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hotline: 0984 955786
E -mail :
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
Web: http://luathatran.vn/
(Bài viết này thuộc Bản quyền hợp pháp của Luật Hà Trần và các đối tác, nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức)
(Nguồn: http://luathatran.vn/)
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780