Bộ Quốc phòng đã đề xuất dự thảo Nghị định về Quy chế khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, dự thảo này quy định về viêc xử lý vi phạm pháp luật trên biển.
Cụ thể, khi có căn cứ cho rằng trên tàu thuyền có dấu hiệu chuyên chở người xuất, nhập cảnh trái phép; mua bán người; buôn lậu; tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, các chất độc hại; tài liệu thuộc bí mật Nhà nước thì Lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành có quyền tiến hành kiểm tra, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển hoặc phát hiện, thu được tài sản chìm đắm, trôi dạt trên biển thì tổ chức, các nhân phải có trách nhiệm thông báo, giao nộp ngay chính quyền địa phương hoặc Đồn biên phòng gần nhất để biện pháp xử lý.
Theo dự thảo, khi tiến hành bắt, tạm giữ, tạm giam người nước ngoài có hành vi vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện đường thủy nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trong khu vực biên giới biển, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý.
Ngoài ra, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi phương tiện đường thủy nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Đối với những phương tiện thủy nước ngoài không dừng lại khi có tín hiệu ra lệnh dừng của lực lượng truy đuổi thì người chỉ huy lực lượng truy đuổi được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, vũ khí theo quy định của pháp luật; trong trường hợp có người bị thương phải tổ chức cấp cứu, nếu có người chết phải phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sở tại giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi các phương tiện có dấu hiệu vi phạm không dừng lại để tiến hành kiểm tra thì việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam nếu được tiến hành liên tuc, không ngắt quãng. Việc truy đuổi chỉ dừng lại khi phương tiện đường thủy nước ngoài bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Đặc biệt, khi thực hiện quyền truy đuổi, người chỉ huy lực lượng truy đuổi được huy động người, tàu thuyền của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực biên giới biển để tham gia truy đuổi (trừ tàu thuyền, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam). Đồng thời tổ chức, cá nhân có tàu thuyền, phương tiện, tài sản được cơ quan có thẩm quyền huy động thực hiện quyền truy đuổi nếu bị thiệt hại được bồi thường theo quy định của pháp luật và người chỉ huy lực lượng truy đuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quy định của mình.
Nguồn: Đời sống pháp luật
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư - Giám đốc điều hành
Hà Kim Tâm
Email: luatsu@luathatran.vn
Liên hệ với luật sư: 090 419 0080
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7: 024 32191780